Vào khoảng 1760, Johannes Zumpe chế tạo chiếc dương cầm vuông kiểu Anh lần đầu tiên tại London (sau được biết đến với cái tên “piano vuông lớn”). Sau đó không lâu, Broadwood ở London và Erard ở Pháp cũng chế tạo ra những chiếc tương tự. Johann Behrend ở Philadelphia trưng bày chiếc đàn vuông của ông vào năm 1775. Những chiếc đàn vuông này có tiếng hơi yếu yếu và không thể so sánh được với chiếc pianoforte lớn (kiểu có nắp rộng bản). Thêm vào đó, những chiếc dương cầm vuông không có cơ cấu nhấc và búa của chúng không thể gõ vào dây một cách liên tục. Ngoài ra, búa đàn, làm bằng những mảnh gỗ nhỏ với một lớp da mỏng, đều cùng một kích thước dù chúng phải gõ lên những dây bass lớn nhất. Rất nhiều công ty sản xuất dương cầm hàng đầu của Mĩ chế tạo những chiếc dương cầm vuông lớn được đẽo nhằm mục đích trang trí trong suốt thập niên 1800, bao gồm Chickering, Knabe, Steinway và Mathushek. Mặc dù trong suốt 75 năm sau đã có một số thay đổi về chế tạo đàn dương cầm, chiếc dương cầm vuông tiếp tục thống lĩnh thị trường, đặc biệt ở Mĩ.
Một sự tụt hậu trong những nhạc cụ phím đầu tiên, bao gồm cả những chiếc dương cầm vuông đầu tiên, chính là sự yếu ớt trong âm thanh. Yêu cầu phải có những âm thanh mạnh mẽ hơn chỉ có thể được thỏa mãn với việc sử dụng những dây nặng hơn và một khung âm lớn hơn. Cách giải quyết này rất hạn chế bởi khung gỗ không thể chịu đựng nổi sức căng của những dây nặng đó. Vào khoảng năm 1825, Alpheus Babcock đã chế tạo một khung sắt hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phải đến 1837 Jonas Chickering mới hoàn chỉnh cấu tạo và nhận được bằng sáng chế không lâu sau đó. Mặc dù vẫn có những tranh cãi rằng khung sắt ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng âm thanh, cuối cùng khung sắt vẫn được ủng hộ. Vào năm 1855, Steinway trưng bày chiếc dương cầm vuông theo kiểu dây đan tại hội chợ thế giới ở Thành phố New York và chứng minh rằng nó là một đối thủ đáng gờm của về chế tạo dương cầm của Chickering. Thiết kế mới về cách mắc dây này đã tạo ra một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho sự nghiên cứu chế tạo dương cầm trong tương lai.