5 LƯU Ý ĐỂ CÓ CÂY ĐÀN PIANO CƠ TỐT

Đặc trưng của các cây đàn piano cơ, piano acoustic là được cấu tạo hoàn toàn “tự nhiên” với các thành phần riêng biệt trong bộ máy, để mỗi âm thanh phát ra là một quá trình chuyển động của nhiều thành phần: tay gõ phím xuống, búa tác động vào làm dây đàn rung lên…. tạo ra âm thanh…

Cũng chính vì đặc trưng cấu tạo này mà việc bảo quản, chăm sóc một cây đàn piano cơ, piano acoustic sẽ khó hơn rất nhiều so với các cây đàn điện, sử dụng các bo mạch, linh kiện điện tử. Với những ai chưa có kinh nghiệm nhiều hay lần đầu tiên sử dụng đàn piano thì 5 lưu ý dưới đây sẽ là kiến thức cơ bản và bổ ích dành cho bạn để có cây đàn piano cơ tốt.

1.      Nhiệt độ, độ ẩm không gian đặt đàn piano cơ
Đàn piano chủ yếu làm bằng các loại gỗ, vì vậy rất dễ bị ảnh hưởng, tác động xấu nếu nhiệt độ, độ ẩm không gian đặt đàn piano không phù hợp. Một số vấn đề xảy ra với cây đàn của bạn trong trường hợp này như: phím bị kẹt do độ ẩm cao, gỗ nở ra do quá nóng, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm bạc màu sơn, khô gỗ đàn….
Gợi ý nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng để bảo quản cây đàn piano cơ của bạn là từ 20oC~27oC, ẩm 40%~70%. Không gian cần khô ráo, thoáng mát.

2.      Lựa chọn vị trí đặt đàn piano cơ
Bên cạnh nhiệt độ, độ ẩm không gian bạn đặt đàn thì vị trí đặt cây đàn piano cơ cũng ảnh hưởng đến chất lượng đàn piano cơ theo thời gian
Không để đàn piano đặt sát tường, cách tường từ 5-10 cm sẽ cho hiệu quả âm thanh tốt và thoáng mát hơn cho phía sau thùng đàn.
Tránh đặt đàn piano gần các vị trí ẩm, nóng thường xuyên như: nhà tắm, bể nước, gần cửa sổ nơi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Cắm ống sưởi, ống sấy trong thùng đàn thường xuyên nếu như cây đàn piano cơ của bạn đặt trong phòng máy lạnh. Khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày tùy theo tần suất mở máy lạnh.

3.      Vệ sinh bên ngoài cây đàn piano
Sử dụng đàn piano cơ một thời gian bụi bám rất nhiều bên ngoài thùng đàn, cũng như việc thường xuyên lau chùi đúng cách sẽ giúp bạn giữ cây đàn piano của mình luôn sáng bóng, đẹp mắt nhất. Hãy sử dụng các loại vải mềm, mịn và tránh sử dụng các loại vải thô cứng, sẽ khiến để lại các vết trầy xước trên thùng đàn khi lau xong.
Bạn cũng có thể xịt một chút nước lên khăn cho ẩm để dễ dàng lau chùi cây đàn hơn. Với các thành phần phím đàn cũng làm tương tự. Đặc biệt tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào vì sẽ ảnh hưởng xấu đến gỗ của cây đàn. Lưu ý khi lau phím đàn nên lấy tay đỡ phía đuôi phím để bảo vệ phím đàn piano cách tốt nhất.

4.      Bảo quản cây đàn piano cơ sau khi tập luyện
–         Trước và sau khi tập luyện đàn piano, bạn nên lưu ý thực hiện các thao tác dưới đây để bảo quản cây đàn tốt hơn:
–         Vệ sinh tay trước khi tập luyện hay chơi đàn.
–         Sau thời gian sử dụng đàn piano từ 1 tiếng trở lên hãy dùng khăn lau mồ hôi bám trên phím đàn. Để lâu ngày không làm sẽ khiến phím đàn mau bạc, xuống màu.
–         Nếu có khăn phủ phím đàn hãy đậy lên để bảo vệ phím tốt hơn. Dùng khóa khóa nắp đàn nếu như nhà có trẻ nhỏ, tránh kẹp tay hoặc rớt nắp bàn phím đột ngột.
–         Thường xuyên kiểm tra bên trong thùng đàn piano xem có các “vật thể lạ” hay động vật như chuột, kiến, gián… làm tổ bên trong cây đàn hay không.
Ngoài ra có thể tham khảo thêm một số phụ kiện như: khăn phủ đàn piano, bao da bọc pedal đàn… cũng sẽ rất tiện ích giúp bạn bảo quản cây đàn tốt hơn.

5.      Liên hệ kỹ thuật viên kiểm tra, bảo trì đàn piano định kỳ
Định kỳ, cần liên hệ với các kỹ thuật viên để bảo trì, kiểm tra lên dây cây đàn. Vì đôi lúc một chút tò mò, động chạm của bạn vào bộ máy đàn piano sẽ khiến cây đàn bị ảnh hưởng, sai lệch rất nhiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.