Phía sau ánh hào quang và những thành công của các nghệ sỹ với những tiếng dương cầm du dương trên sân khấu, có lẽ ít ai biết tới công phu của những người thợ tài ba âm thầm sau cánh gà, giúp tài năng của người nghệ sỹ tỏa sáng. Họ là ai?..
Đằng sau những bản nhạc du dương bay bổng trên các phím đàn piano, ít ai biết việc giữ gìn và bảo quản lại khá kỳ công. Với cấu tạo phức tạp, được làm từ khá nhiều nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, lông cừu, da, vải nỉ,… nên đàn piano rất nhạy cảm với thời tiết và bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và nhiệt độ. Để dương cầm có âm thanh hay và có độ bền, việc giữ gìn đàn vô cùng quan trọng.
Không giống như điều kiện thời tiết lý tưởng ở phương Tây cho việc giữ gìn những cây đàn piano khó tính, thời tiết khí hậu nóng ẩm của Việt Nam khiến cho việc bảo quản dương cầm không hề đơn giản. Đó là tác nhân chính gây ra sự co giãn của những bộ khung gỗ, tấn công những miếng đệm bằng nỉ, da… Máy móc những phần chuyển động (bằng gỗ, da, nỉ hoặc poly,…) sẽ bị mòn và rão theo thời gian.
Vì thế đàn piano dù là loại cơ hay điện, rẻ hay đắt cũng đều phải được chăm sóc, bảo quản cẩn thận và tùy theo cường độ sử dụng mà lên dây đàn.
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950, nghề sửa chữa, lên dây đàn piano do một ông Tây mù người Pháp mang tới. Ở Hà Nội, người lên dây đàn piano rất ít, thợ làm nghề thực thụ như một nghệ nhân lại càng hiếm hơn.
Để theo được nghề thì trước hết phải có kiến thức nhạc lý để nhận biết được thế nào là âm thanh chuẩn. Tiếp theo đó là phải có một đôi tai đủ nhạy cảm và tinh tế để “bắt bệnh” âm thanh, biết được tiếng đàn vang hay ngắn, trong hay rè,…
Khi tiếp cận với cây đàn, người thợ có thể nhận ra các vấn đề liên quan đến chất lượng đàn, những chỗ cần chỉnh sửa. Nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng thì người thợ sẽ chỉnh dây đàn. Công việc này giúp dàn dây của piano ổn định về cao độ, phím đàn hoạt động tốt, cân bằng âm sắc, khắc phục kịp thời các hiện tượng dính búa, dính phím,…
Tuy nhiên, không phải mọi thợ chỉnh dây và âm sắc đàn piano đều có trình độ tay nghề như nhau.
Nếu người thợ sửa không có chuyên môn làm đàn bị chênh một nốt thì người nghệ sỹ hoặc người trong nghề nghe có thể phát hiện ra ngay. Khi đó độ hay của tác phẩm sẽ bị giảm và tài năng của người chơi sẽ không được thăng hoa.
Vì thế, người chơi đàn cần biết cách để nhận ra một người thợ có tay nghề cao. Việc phân biệt này căn cứ vào phương thức và công cụ kỹ thuật khi thao tác. Hiện có hai phương thức để lên dây: dựa vào máy hoặc dựa vào khả năng nghe của người thợ. Việc sử dụng máy để đo lường độ cao của các nốt sẽ mang lại độ chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên kết quả âm sắc sẽ rất khô, cứng.
Ngược lại, để cho ra cao độ chuẩn, lại vừa có âm sắc mềm mại, bay bổng, mượt mà lại cần đến đôi tai của người thợ có tay nghề cao. Để làm được điều này, ngoài sự tỉ mỉ, kiên trì và kinh nghiệm, người thợ cũng cần phải có năng khiếu.
Trong số ít những người thợ giỏi như thế, có người còn có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các khách hàng khó tính là những nghệ sỹ nổi tiếng, thậm chí cả những nghệ sỹ đến từ những dàn nhạc giao hưởng, thính phòng. Anh Thái Tiến Dũng (ở Minh Khai, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Bước đầu gia nhập ngành sửa chữa đàn piano, đòi hỏi ở người thợ nhiều công sức học tập và sự kiên trì vì đòi hỏi phải có khả năng nghe tốt để biết lỗi nằm ở khâu nào. Nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, ham học hỏi, cộng với khiếu nghe trời cho, anh đã có thể tự mình khắc phục được lỗi và làm hài lòng những vị khách khó tính nhất.
Như những cung trầm trong một bản nhạc, những người thợ sửa đàn, lên dây đàn vẫn đang âm thầm cống hiến cho bản nhạc dương cầm của nghệ sỹ thêm thăng hoa.
(Theo Báo Dân trí)