Gã, bạn tôi, công nhân đàn (theo cách mà Gã tự gọi mình), nhưng với với những người yêu đàn Piano, công nhân đàn như Gã lại là người mang cái hồn đến cho mỗi cây đàn được Gã chăm sóc…
Chơi khá thân với nhau, sống trong cùng 1 thành phố nhưng khi không còn học chung, tôi và Gã đã mất liên lạc, rồi cũng phải cảm ơn Facebook, sau cả chục năm tôi đã tìm thấy bạn mình (đúng ra là Gã tìm thấy tôi mới phải). Gặp lại nhau phải nói vui hết biết.
Gặp lại Gã, thấy khâm phục vì con đường Gã đang đi, nghề mà Gã đã chọn. Thợ lên dây đàn Piano, công nhân đàn – như Gã thường nói về mình – thật ra là một nghề rất khó, ngoài những năng khiếu trời cho, còn cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tất nhiên phải là lòng yêu nghề tuyệt đối.
Trong cái mớ kiến thức ít ỏi của mình về nhạc cụ, tôi biết người ta ví đàn Piano như là Vua của các loại nhạc cụ bởi âm vực, chiều sâu và sự phức tạp âm thanh của piano chưa có 1 loại nhạc cụ nào thay thế được. Đàn Piano có âm vực rất rộng, với hơn 80 phím riêng biệt, có thể chơi được cùng 1 lúc những nốt nhạc có âm vực cao nhất và âm vực thấp nhất, không có loại nhạc cụ nào cho phép diễn tấu nhiều nốt trên cùng 1 âm vực trải rộng như piano. “Quyền lực” của 1 ông Vua lớn đến vậy, đương nhiên việc phục vụ, chăm sóc cho Vua chắc chắn cũng không hề đơn giản. Và Gã, bạn tôi đang làm công việc chăm sóc cho những ông Vua.
Đàn Piano được làm từ nhiều nguyên liệu thiên nhiên, dễ nhận thấy nhất là gỗ, da, vải, nỉ, … nên rất nhạy cảm với độ ẩm và nhiệt độ, đặc biệt với khí hậu như Hà Nội, việc giữ gìn và bảo quản đàn là khá kỳ công và vô cùng quan trọng.
Thời buổi khoa học kỹ thuật phát triển, việc lên dây đàn có thể dựa vào máy để đo độ cao của các nốt, máy móc sẽ mang lại độ chính xác tuyệt đối nhưng âm sắc sẽ rất “cứng”, thế nên công nhân đàn như Gã, đôi tai của người thợ, sự tỉ mỉ, kinh nghiệm, lòng yêu nghề lại mang đến cho cây đàn cao độ chuẩn, âm sắc mềm mại, bay bổng. Chứng kiến Gã làm việc mới thấy được phần nào khó khăn và yêu cầu khắt khe của cái nghề Gã đã chọn. Càng thấy rõ được rằng nếu không có tính kiên nhẫn, không có tâm với nghề sẽ khó làm nghề.
Hỏi Gã, ngày nào cũng tiếp xúc với âm thanh tần cao như này không thấy mệt à, Gã cười nói, mệt, nhưng vì đam mê nghề nên Gã tự cân bằng được và coi đó là niềm vui. Phục Gã.
Gã, chàng trai Hà Thành, vẫn còn nguyên cái khí chất người Hà Nội, Gã đàn, hát rất hay những bài hát về Hà Nội, sống chân thành, nhiệt tình và luôn truyền được cảm hứng cho người khác. Cái khí chất Hà Nội ấy, cái tình trong Gã thể hiện ngay cả trong công việc hàng ngày của Gã. Sửa đàn là nghề Gã yêu thích, cũng là nguồn “kiếm sống” của Gã nhưng Gã sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để chăm chút cho cây đàn của khách để rồi chào ra về mà không nhận đồng tiền công nào, đương nhiên Gã có những lý do riêng của mình. Hay, đã có lần Gã mải miết chặng đường dài cả vài chục cây số đến nhà khách, dù tiếc lắm vì không được chăm sóc cho cây đàn nhưng Gã cũng đành chào tạm biệt bởi chủ nhân của cây đàn không biết trân trọng giá trị lao động của những người làm nghề như Gã. Ai đó có thể cho rằng Gã điên vì đi làm kiếm sống nhưng lại chê tiền. Nhưng Gã là vậy, chữ tình với Gã cao hơn mọi thứ.
Gã, Thái Tiến Dũng, thi đỗ cùng lúc 2 trường đại học Bách khoa và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Gã chọn học Bách khoa ngành kỹ thuật nhưng duyên đã đưa Gã đến với nghề. Với lòng yêu nghề, yêu những cây đàn piano, sự cần mẫn của Gã với nghề cũng đã được đền đáp xứng đáng, Gã khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng của mình trong nghề, được khách hàng tin tưởng và lựa chọn, và giờ thì Gã càng mê mẩn sống chết với nghề Gã chọn.
Chúc cho Gã tiếp tục gặt hái thành công trên con đường Gã chọn.